Dự báo tương lai Trái đất năm 2050 khiến con người rùng mình
Với sự phát triển của khoa học công nghệ, chúng ta đã có những xe ô tô tự lái, hay robot bán thông minh. Song song với sự tiến bộ công nghệ, nhân loại đã và đang phải đối mặt với vô vàn khó khăn đến từ bệnh dịch, đói nghèo, thảm họa thiên nhiên...
Theo các chuyên gia, những vấn đề thật sự to lớn đang chờ đợi chúng ta ở vài thập kỷ nữa. Khoa học và công nghệ ngay lúc này cần phải tập trung đi tìm giải pháp để làm cho tương lai chúng ta tốt hơn bởi trên thực tế, những sự khó khăn này đang đến rất gần.
Cùng điểm lại viễn cảnh đáng sợ mà Trái đất sẽ phải đối mặt vào năm 2050 qua tổng hợp của trang Business Insider.
1. Dân cư khu đô thị tăng gấp 3 lần
Thống kê cho thấy, vào năm 1950, dân số sống trong các thành phố lớn, khu đô thị là 750 triệu người. Nhưng con số này đã lên đến 4 tỷ người ở thời điểm hiện tại và có xu hướng tiếp tục gia tăng trong tương lai.
Các chuyên gia ước tính rằng, vào giữa thế kỷ XXI, dân số sống trong các thành phố lớn sẽ lên tới 6,3 tỷ người.
Cùng với tình trạng dân cư quá đông, khả năng lây lan các bệnh truyền nhiễm, virus, bệnh lao, bệnh cúm sẽ gia tăng chóng mặt. Điều này một phần là do nguồn nước bị cạn kiệt dần và nền y tế bị ảnh hưởng do không lo đủ cho tất cả mọi người.
So với khu vực nông thôn, thành phố sẽ tiêu thụ khoảng 3/4 năng lượng của thế giới và thải ra một lượng lớn khí carbon. Theo WHO, ô nhiễm không khí đã khiến 3,7 triệu người tử vong vào năm 2012. Con số này sẽ chưa dừng lại ở đó khi dân số đô thị tăng và sự ô nhiễm ngày một diễn ra nặng nề.
2. Số người tử vong vì ô nhiễm không khí chạm mốc 6 triệu người
Báo cáo mới đây của Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD) công bố, đến năm 2050, số ca tử vong do ô nhiễm không khí sẽ chạm mốc 6 triệu người.
Lý do được các chuyên gia đưa ra là, bởi thời tiết ấm hơn sẽ là nhân tố giúp gia tăng phản ứng hóa học sản xuất nhiều chất gây ô nhiễm.
Một trong những độc tố đó là ozone mặt đất hay ozone “xấu” - tạo ra bởi phản ứng hóa học giữa oxit nito (NOx) và hợp chất hữu cơ (VOCs) dễ bay hơi dưới sự hiện diện của ánh sáng Mặt trời.
Khí thải từ cơ sở công nghiệp, động cơ xe, dung môi hóa học là nguồn chính của NOx và VOCs. Chất này sẽ khiến người hít phải cảm thấy khó thở, gây ra ho, lâu sẽ gây bệnh hen suyễn.
3. 1/2 dân số thế giới không có nước để dùng
Bạn có tin, vào thời điểm hiện tại, 1,1 tỷ người (1/6 dân số trên thế giới) đang không có nước sạch để sử dụng và con số này sẽ còn gia tăng.
Theo Viện quản lý nước quốc tế, đến năm 2050, con số này sẽ lên đến gần 2 tỷ người, tập trung chủ yếu ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi. Không chỉ nước sạch, mà một phần lớn nước dùng cho việc tưới tiêu cũng bị đe doạ.
Hiện nay, 1/3 mạch nước ngầm đang dần biến mất. Với tốc độ tăng trường dân số và sự nóng lên toàn cầu, tình hình này sẽ càng trở nên tồi tệ hơn. Cùng với việc khan hiếm nước, thế giới cũng sẽ phải đối mặt với hạn hán, cháy rừng ở mức báo động.
4. Vô số loại cá chúng ta ăn sẽ tuyệt chủng
Một báo cáo của ban Môi trường của Liên Hiệp Quốc đã chỉ ra, mức độ khai thác,đánh bắt cá trên thế giới đang ở mức 87%. Nếu thế giới tiếp tục duy trì đánh bắt cá ở mức hiện tại, thì vào năm 2050, vô số loài cá sẽ bị tuyệt chủng.
Số lượng cá sụt giảm cũng khiến cho những người sống dựa vào nghề đánh bắt cá, nuôi trồng thủy sản bị mất việc làm, ngành xuất khẩu thủy hải sản toàn cầu cũng sẽ thiệt hại nặng nề. Con số này có thể lên tới 129 tỷ USD.
5. Hàng triệu người trên thế giới bị chết đói
Nhiệt độ Trái đất đang dần ấm lên, báo động tình trạng thiếu lương thực trầm trọng đối với các khu vực châu Phi và châu Á, gây hậu quả thảm khốc với người nghèo ở các khu vực này.
Lượng thức ăn trên toàn thế giới hiện đã giảm khoảng 2% và nếu tiếp tục duy trì,trong vòng 10 năm tới, chúng ta sẽ mất 4.440.000 tấn lương thực.
Báo cáo của tổ chức nghiên cứu nông nghiệp quốc tế lớn nhất thế giới khẳng định, tới năm 2050, sản xuất lương thực sẽ phải tăng tới 60% nhằm bắt kịp với sự thay đổi khí hậu và gia tăng dân số toàn cầu.
6. Những khu rừng mưa sẽ biến mất vĩnh viễn
Bạn có biết, mỗi năm chúng ta mất đi một lượng lớn rừng mưa - đó là hệ quả của việc không ít người đã khai thác, chặt phá rừng bừa bãi.
Mặc dù diện tích chính xác vẫn chưa được xác định cụ thể, nhưng ước tính mỗi ngày ít nhất 32.300ha rừng biến mất khỏi Trái đất và ít nhất 32.300ha rừng khác bị suy thoái.
Cùng với sự biến mất các rừng mưa nhiệt đới, hàng trăm loài đã và đang có nguy cơ tuyệt chủng. Không những thế, khi các khu rừng bị tàn phá, một lượng lớn carbon thải ra bầu khí quyển sẽ càng khiến khí hậu tiếp tục thay đổi.
7. Siêu vi khuẩn có thể khiến 10 triệu người tử vong mỗi năm
Thế giới gần đây đã cảnh báo về tình trạng siêu vi khuẩn kháng thuốc bằng các cụm từ “cơn ác mộng vi khuẩn” hoặc “siêu vi khuẩn chết người”.
Tình trạng này đã cướp đi 700.000 người mỗi năm và một báo cáo khoa học của Mỹ đã chỉ ra, đến năm 2050, các bệnh nhiễm trùng có thể giết chết 10 triệu người trên toàn thế giới - nhiều hơn tất cả các loại ung thư kết hợp lại.
Giống như bất kỳ sinh vật sống nào, vi khuẩn có thể sinh sôi cũng như có thể đột biến để sinh tồn. Một số loài sẽ tự biến thể để tăng khả năng kháng thuốc tiêu diệt chúng.
8. Bệnh tật lây lan một cách dễ dàng
Nhiệt độ ngày càng tăng kết hợp với lũ lụt và hạn hán đang trở thành mối đe dọa với sức khỏe dân số toàn cầu. Bởi đây là môi trường sống lý tưởng cho các loài muỗi, những loài ký sinh, chuột và nhiều sinh vật mang bệnh khác phát triển mạnh.
Theo tính toán của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đến năm 2030, có thêm 60.000 người chết vì bệnh sốt rét. Vào năm 2050, 4,6 tỷ người sẽ có nguy cơ mắc bệnh sốt xuất huyết và bệnh tả cũng phát triển mạnh hơn khi có tới 130.000 người chết mỗi năm. Với hệ miễn dịch giảm do khí hậu thay đổi thất thường, rất có thể, con số thực sẽ không dừng lại ở đây.
9. Bão xuất hiện thường xuyên và nghiêm trọng hơn
Ban đánh giá khí hậu quốc gia Mỹ cho biết, số lượng các cơn bão loại 4 và 5 (những loại mạnh nhất) ngày càng gia tăng từ năm 1980. Và theo dự đoán của các chuyên gia, xu hướng này sẽ còn tiếp tục gia tăng theo chiều hướng khó kiểm soát.
Cụ thể, biến đổi khí hậu gây ra tình trạng mực nước biển và nền nhiệt tăng cao. Trái đất nóng lên, hơi nước bốc lên nhiều khiến các cơn bão trở nên mạnh và dữ dội đến 300% vào năm 2100.
10. Mực nước biển dâng cao làm ngập các thành phố lớn trên toàn cầu, mất điện trở nên phổ biến
Theo các chuyên gia, với tình trạng khí carbon thải ra môi trường không kiểm soát như hiện nay, tình trạng nóng lên của Trái đất sẽ khiến nước biển tăng lên khoảng 35cm, khiến nhiều thành phố ngập chìm trong nước.
Một báo cáo đã chỉ ra, nếu nhiệt độ toàn cầu tăng lên 1 độ C, hơn 40 trong số 700 di sản thế giới, thành phố lớn sẽ chìm trong biển nước trong vòng 2.000 năm tới. Nếu nhiệt độ tăng 3 độ C, con số đó sẽ tăng lên là 136 di sản.
Cùng với đó, tình trạng mất điện trên diện rộng cũng xảy ra. Đến năm 2050, hơn 50% người dân có khả năng sẽ phải sống trong bóng tối. Tác động này sẽ khiến tình trạng trở nên tồi tệ, nhất là ở khu đông dân cư như phía Đông Bắc Mỹ như New York và Philadelphia.
11. Dầu trở thành món đồ xa xỉ
Theo các chuyên gia, với lượng cư dân tăng cao, việc đảm bảo nhu cầu tiêu thụ năng lượng cũng là một vấn đề đáng quan tâm trong tương lai.
Theo đó, nếu việc sử dụng năng lượng toàn cầu vẫn duy trì ở mức hiện tại thì vào năm 2050, nhu cầu sử dụng dầu tăng 110% - hay 190 triệu thùng dầu được sử dụng mỗi ngày. Cùng với đó, lượng khí thải carbon ra khí quyển tăng gấp 2.
Việc khai thác nguồn năng lượng mới - than - để thay dầu mỏ cũng được mọi người lưu tâm. Tuy nhiên đây là một trong những nguồn năng lượng gây ô nhiễm môi trường nhất thế giới. Do đó, giới khoa học đang đau đầu để đưa ra một phương án khả thi.
Nhận xét
Đăng nhận xét